Sê ri Blog: các phương thức cho một sự lựa chọn đúng đắn – Part 1: Decision Matrix

Tôi mới kiếm được một số tài liệu nói về các phương thức (framework) và dụng cụ cho decision-making, thinking system và problem solving. Tôi sẽ chia sẻ dần với bạn qua từng bài viết trong sê ri này.

Blog hôm nay nói về Decision Matrix – ma trận quyết định. Vì là một analyst, tôi rất thích phân tích thông tin, dữ liệu. Quá trình này thường đi kèm với việc gợi ý và định hướng cho người khác (managers, khách hàng, team members…) những hành động hoặc thay đổi mà họ có thể làm để vận hành mọi thứ tốt hơn, dựa vào kết quả phân tích của tôi.

Đặc biệt là tôi rất thích sử dụng các phương thức khi đưa ra quyết định nào đó, khi đưa ra gợi ý chẳng hạn.

Sau đây là một trong số các phương thức rất dễ, rất logic và hiệu quả mà bạn có thể áp dụng trong hầu như mọi tình huống.


Giới thiệu về Decision Matrix

Đây là phương thức để bạn đưa ra sự lựa chọn tốt nhất bằng cách so sách chúng dựa theo các nhân tố khác nhau.

Đây là một phương thức rất phổ biến trong kinh tế, khoa học, kĩ thuật, và rất hữu ích kể cả trong đời sống hàng ngày. Tôi sẽ giải thích cách thức này qua một ví dụ đơn giản: lựa chọn nước nào để đi du học.

Một số quyết định có thể sẽ rất khó để đưa ra. Đặc biệt là khi mà có nhiều nhân tố làm ảnh hưởng đến quyết định đó. Ma trận quyết định là một công cụ giúp chúng ta cân nhắc được tất cả những yếu tố quan trọng khi đưa ra một quyết định. Nó mang đến sự rõ ràng trong quá trình này.

Hữu dụng nhất khi mà bạn có một vài sự lựa chọn và bạn cần chọn một trong số chúng dựa trên một vài nhân tố khác nhau.


Cách sử dụng

Ma trận quyết định là một bảng tính khá là đơn giản, gồm các sự lựa chọn và các nhân tố.

Mục tiêu của chúng ta là tính ra điểm số của từng sự lựa chọn dựa theo điểm của chúng ở từng nhân tố. Số tổng điểm sẽ giúp bạn đưa ra sự lựa chọn của mình.

Sau đây là cách xây dựng bảng ma trận theo từng bước cụ thể:

  1. Viết ra quyết định mà bạn phải đưa ra
  2. Lên danh sách những sự lựa chọn mà bạn có
  3. Tìm ra những nhân tố mà bạn muốn xem xét
  4. Quyết định “cân nặng” (tầm quan trọng) của từng nhân tố
  5. Tính điểm của từng sự lựa chọn cho mỗi nhân tố
  6. Tính tổng điểm của tửng sự lựa chọn
  7. Chọn ra người chiến thắng

Bây giờ chúng ta hãy cùng thực hành sử dụng phương thức này qua một ví dụ: chọn nước để đi du học.


Ví dụ thực hành

Đầu tiên, bạn điền vào bảng những nhân tố mà bạn muốn xem xét, và quyết định tầm quan trọng của chúng trong quyết định của bạn.

Trong ví dụ này, tôi có:

  • Thời tiết: Có thể là bạn cũng quan tâm đến thời tiết của nơi bạn muốn đi du học. Bạn không thích nơi quá lạnh. Nhân tố thời tiết có thể là quan trọng vừa vừa, tầm 3 điểm.
  • Ngôn ngữ: Bạn rất muốn học thành thạo và sử dụng ngôn ngữ của nước đó kể cả sau khi đi du học. Việc ngôn ngữ đó khó hay không, và bạn có thích nó hay không, rất quan trọng. 5 điểm
  • Văn hóa: Bạn chỉ muốn sang nước đó để học kĩ thuật của họ. Bạn không quan tâm lắm đến văn hóa của nước đó. 2 điểm
  • Cơ hội việc làm: Bạn chưa quyết định là sẽ ở lại làm việc sau khi ra trường nên nhân tố này cũng không quan trọng lắm. 2.5 điểm
  • Địa lý: Bạn muốn thường xuyên về nước vào kì nghỉ hè và nói chuyện với gia đình nên bạn muốn đi nước nào không quá xa Việt Nam. Nhân tố này rất quan trọng. 5 điểm.

Tiếp theo, bạn liệt kê danh sách những nước mà bạn quan tâm. Ví dụ:

  • Nước Anh
  • Nước Đức
  • Úc
  • Nhật Bản
  • Hàn Quốc

Sau đó, bạn tính điểm cho từng nước ở từng nhân tố theo thang điểm 1 – 5. Ví dụ:

  • Nước Anh:
    • Thời tiết hơi quá lạnh về mùa đông – 2 điểm.
    • Ngôn ngữ tiếng Anh rất phổ biến – 5 điểm.
    • Văn hóa – 3 điểm.
    • Cơ hội việc làm cũng nhiều – 4 điểm.
    • Địa lý khá xa VN – 2 điểm.
  • Nước Nhật:
    • Thời tiết dễ chịu – 4 điểm.
    • Tiếng Nhật khá khó – 3 điểm.
    • Văn hóa hay ho – 5 điểm.
    • Cơ hội việc làm ok – 4 điểm.
    • Địa lý chỉ cách VN vài tiếng máy bay – 5 điểm.

Cuối cùng, tính tổng điểm cho từng sự lựa chọn. (Nên dùng bảng Excel để tính cho nhanh và đặc biệt là khi bạn có nhiều nhân tố/ nhiều sự lựa chọn)

Vậy là theo matrix này thì Nhật Bản có vẻ là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn, đặc biệt là vì Nhật được đánh điểm khá cao trong phần địa lý, và mặt bằng chung điểm ở các nhân tố khác cũng khá cao.


Hi vọng bạn đã hiểu hơn về phương thức này và có thể áp dụng nó trong mọi mặt trận. Khi có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quyết định của bạn, dụng cụ này sẽ giúp bạn loại trừ sự lưỡng lự và tính chủ quan khi bạn cân nhắc từng nhân tố. Nó giúp bạn tìm ra quyết định hợp lý nhất.

Bạn cũng có thể sử dụng cách này để chọn ra công ty hoặc là ngành kinh tế, công việc mà bạn muốn làm trong tương lai. Sử dụng kèm với guidebook “Một giờ kiếm việc” để xin việc thành công ở Nhật Bản nhé 🙂

Đừng quên kết nối với The Light Collector qua Facebook PageYouTube, để được biết khi tôi có bài viết mới!

Chúc bạn thành công!

Comments are closed.