Phân loại mục tiêu học và quá trình phát triển kỹ năng qua Bloom’s framework

Như các bạn biết đấy, tôi vốn là người “thích học”. Tôi tự gọi bản thân là một “philomath“.

A philomath is a lover of learning and studying.

Tôi thề là tôi thích học hơn là thích đi làm, mặc dù là người lớn, chúng ta đều “phải” đi làm để áp dụng những gì chúng ta đã học. Vì thế, chúng ta có ít thời gian để học những cái mà mình thích. Nhiều khi ở chỗ làm, chúng ta chỉ chúi vào “làm” và sử dụng những kỹ năng có sẵn thay vì khám phá những kiến thức mới, kỹ năng mới.

Không chỉ thích học và làm cái mới, tôi cũng là một fan hâm mộ của việc học một cách có hiệu quả, có framework và chiến lược chứ không chỉ học một cách mù quáng.

Bạn vẫn có thể tích lũy kỹ năng và kiến thức theo cách đó (có vẫn còn hơn không), nhưng thường sẽ rơi vào một trong số những cái hố:

  • Cảm thấy rất hưng phấn lúc ban đầu, nhưng dần dần mất hứng học
  • Học mãi mà không “vào”, không giải được bài tập hoặc không thực hiện được 1 kỹ năng nào đó mặc dù bạn đã luyện nó nhiều lần
  • Mất nhiều thời gian hơn cần thiết để đạt được kết quả mong muốn
  • Không biết mình nên học hoặc luyện cái gì

Việc “học” tôi muốn nói ở đây không chỉ bao gồm việc học tập ở trường lớp, qua sách vở, học một kỹ năng cứng (ngôn ngữ, lập trình…) mà còn bao gồm việc học các kỹ năng mềm như giao tiếp, leadership… và còn có thể áp dụng cho việc luyện tập một môn thể thao, nhạc cụ… hay bất kỳ một kỹ năng hay một sở thích mới.

Trong blog này, tôi muốn chia sẻ với bạn một framework để bạn có thể mổ xẻ việc học của bạn theo các mục tiêu, các giai đoạn để có thể theo dõi và đánh giá khả năng của mình một cách tốt hơn.

Đây là 3 cách phân loại mục tiêu học tập đã được ông Benjamin Bloom phát triển lần đầu tiên vào năm 1956. Mặc dù những framework này phổ biến hơn trong ngành giáo dục, tôi thấy chúng rất hay và rất quan trọng, nhất là cho những người tự học hoặc tự luyện tập kỹ năng mới (như tôi nè). Chúng ta cùng tìm hiểu từng cách phân loại một trong mỗi bài viết nhé.

3 kim tự tháp của Bloom

  1. Cognitive-based (Phân loại dựa theo Nhận thức)
  2. Emotion-based (Phân loại dựa theo Cảm xúc)
  3. Action-based (Phân loại dựa theo Hành động)

Bài viết này sẽ giải thích kim tự tháp đầu tiên – Nhận thức.


Phân loại dựa theo nhận thức

Đây là kim tự tháp phổ biến nhất của Bloom. Có 6 giai đoạn nhận thức trong kim tự tháp này.

Phân loại các mục tiêu/ giai đoạn dựa theo nhận biết

Chúng ta cùng tìm hiểu từng giai đoạn nhé.


1. Knowledge/ Remembering – Nhận biết hoặc ghi nhớ

Giai đoạn đầu tiên này liên quan đến việc nhận biết hoặc ghi nhớ các sự kiện, thuật ngữ, khái niệm cơ bản hoặc câu trả lời,không nhất thiết phải hiểu ý nghĩa của chúng.

  • Biết về các chi tiết cụ thể — thuật ngữ, sự kiện cụ thể
  • Biết về các cách thức và phương tiện giải quyết các vấn đề cụ thể — quy ước, xu hướng và trình tự, phân loại và danh mục
  • Biết về các tính phổ quát và trừu tượng trong một lĩnh vực — các nguyên tắc và khái quát, lý thuyết và cấu trúc

Ví dụ:

  • Có thể biết và nêu tên 2 bảng chữ cái tiếng Nhật (Hiragana và Katakana)
  • Có thể nhận biết thuật ngữ trong lập trình Python (function, object, method, argument, package, library, etc…)
  • Có thể nhận biết và gọi tên một số động tác trong Yoga hay Pilates.

2. Comprehension – Lãnh hội

Sự lãnh hội bao gồm việc thể hiện sự hiểu biết về các sự kiện và ý tưởng bằng cách sắp xếp, tóm tắt, dịch, khái quát hóa, đưa ra mô tả và nêu các ý chính.

Ví dụ:

  • Có thể dịch nghĩa một câu tiếng Nhật (Chúc mừng! Bạn đã hiểu tiếng Nhật)
  • Có thể đọc 1 đoạn code và giải thích xem nó làm gì
  • Có thể tự tạo một Yoga flow của mình (từ warm up đến cool down)

3. Application – Áp dụng

Giai đoạn áp dụng này bao gồm việc sử dụng những kiến thức đã có được, để giải quyết vấn đề chẳng hạn. Để đạt được đến giai đoạn này, bạn biết cách sử dụng những kiến thức đã học ở giai đoạn 1 (Knowledge) để có thể giải bài tập, tìm ra các mối quan hệ và sự liên quan giữa chúng, và biết làm thế nào để áp dụng chúng trong một tình huống mới.

Ví dụ:

  • Hỏi đường, gọi món khi du lịch ở Nhật (bằng tiếng Nhật!)
  • Viết một chương trình để tự động hóa một quá trình nào đó trong công việc
  • Có một cơ thể dẻo dai, săn chắc hơn nhờ tập Yoga hàng ngày

4. Analysis – Phân tích

Giai đoạn này bao gồm việc kiểm tra và chia nhỏ thông tin thành các phần nhỏ, xác định cách các phần liên quan với nhau, xác định động cơ hoặc nguyên nhân, đưa ra suy luận và tìm bằng chứng để hỗ trợ cho việc khái quát hóa.

  • Phân tích thành phần
  • Phân tích mối quan hệ
  • Phân tích cấu trúc

Ví dụ:

  • So sánh và đối lập 3 cách viết business email trong tiếng Nhật và kiểm tra xem cách nào có hiệu quả nhất
  • Phân tích hiệu quả của một chương trình Python mà bạn viết rồi cải thiện nó
  • Chụp ảnh/ quay video lại tư thế của mình và tìm hiểu việc tại sao bạn không thể làm yoga headstand

5. Synthesis – Tổng hợp

Tổng hợp liên quan đến việc xây dựng một cấu trúc hoặc khuôn mẫu từ các yếu tố đa dạng; nó cũng đề cập đến hành động ghép các bộ phận lại với nhau để tạo thành một tổng thể.

Ví dụ:

  • Lựa chọn và thay thế những từ ngữ khác nhau trong giao tiếp tiếng Nhật để thể hiện phong cách của bạn (mạnh mẽ hay mềm mại..vv)
  • Tự xây dựng một quá trình debug cho code của mình viết
  • Lựa chọn các động tác Yoga khác nhau để tập cho phù hợp với tâm trạng và điều kiện cơ thể của mình.

6. Evaluation – Đánh giá

Giai đoạn này là giai đoạn cao nhất của kim tự tháp. Nó bao gồm việc trình bày và bảo vệ ý kiến bằng cách đưa ra các đánh giá về thông tin, tính hợp lệ của các ý tưởng hoặc chất lượng công việc dựa trên các tiêu chí. Các đặc điểm của nó bao gồm:

  • Đánh giá sử dụng chứng cứ nội bộ
  • Đánh giá sử dụng tiêu chí bên ngoài

Ví dụ:

  • Có thể chứng minh rằng bạn giỏi tiếng Nhật qua việc đỗ kỳ thi JLPT N1!
  • Có thể đọc code của người khác rồi đưa ra nhận xét, đánh giá dựa theo kinh nghiệm và khả năng của bản thân (Có thể lập luận rằng code của bạn viết hiệu quả hơn code của người kia)
  • Có thể chỉ ra rằng tư thế Yoga của người khác là không đúng (và bảo vệ ý kiến rằng tư thế của bạn là đúng)

Với mỗi sở thích hoặc kỹ năng mà bạn có, bạn đang ở giai đoạn nào trong 6 giai đoạn của Nhận thức?

Làm thế nào để bạn có thể tiến lên 1 giai đoạn mới để trở nên giỏi hơn?

Comment cho tôi biết nhé!

Ở blog tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu 2 kim tự tháp còn lại: phân loại mục tiêu học dựa theo cảm xúc và hành động.

Stay tuned!


PS: Mình đang mở lớp học JLPT N4-N3 để giúp đỡ các bạn muốn trau dồi khả năng tiếng Nhật. Nếu có hứng thú học thì DM mình nhé!