Nghệ thuật đọc – 4 cấp độ đọc và cách áp dụng chúng để đọc hiệu quả

Ngày bé, tôi rất thích đọc sách. Tôi đọc hết những cuốn truyện, cuốn tiểu thuyết có ở trong nhà, từ “Không gia đình” cho đến hết cả 3 tập dày “Những người khốn khổ”, cho đến “Bỉ vỏ” và những truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh.

Lớn lên, tôi đọc nhiều sách khoa học hơn. Khi học cái gì đó mới hoặc bắt đầu một công việc mới, tôi thường (phải) đọc những cuốn sách liên quan đến chủ đề đó. Marketing, Sales, Coding, và gần đây là Data Science.

Cách chúng ta đọc sách hồi còn bé với cách ta đọc sách khi lớn lên rất khác nhau, bạn có đồng ý không?

Sự khác biệt trong việc đọc để tìm thông tinđọc để hiểu cũng giống như sự khác biệt giữa việc chỉ biết tên của một thứ gì đó và việc thực sự hiểu nó trong bối cảnh của thế giới thực.

Tôi từng nghĩ, để “chứng minh” rằng mình đã đọc và hiểu một cuốn sách, tôi phải đọc hết tất cả các trang, các dòng chữ có trong cuốn sách đó.

Gần đây tôi nhận ra điều đó không thực sự quan trọng. Đời người thì ngắn, cuộc sống thì bận rộn, nếu cầm lên một cuốn sách mà cảm thấy không hợp thì nên bỏ xuống. Nếu đọc lướt qua đã hiểu đủ những đầu mục quan trọng thì không nhất thiết phải đọc hết các chương hay các trang.

Vậy có những cách đọc như thế nào? Và làm thế nào để áp dụng chúng cho những cuốn sách khác nhau để đọc một cách hiệu quả nhất?

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu 4 cấp độ của việc đọc và giải đáp câu hỏi trên.


Giới thiệu

Mortimer Adler và Charles Van Doren lần đầu tiên đưa ra khái niệm về bốn cấp độ đọc trong How To Read A Book, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1940 và được cập nhật vào năm 1972. Mặc dù cuốn sách đã được hình thành trong kỷ nguyên tiền kỹ thuật số, nó vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay và dường như tiên tri về cách chúng ta đọc trong thời đại kỹ thuật số.

4 cấp độ đọc đó là:

1. Elementary Reading (Sơ cấp)

2. Inspectional Reading (Giám định)

3. Analytical Reading (Phân tích)

4. Syntopic Reading (Tổng hợp)

Mỗi cấp độ đọc này có các đặc điểm của cấp độ trước và được xây dựng dựa trên nó, cho đến khi bạn lên cấp độ 4. Vì vậy, đọc tổng hợp (cấp độ 4) bao gồm các đặc điểm của đọc sơ cấp (cấp độ 1), nhưng nó không áp dụng ngược lại.


1. Elementary Reading

Đọc sơ cấp là trình độ đọc cơ bản, thô sơ. Nó là một trong những bạn học ở trường. Cấp độ đọc này là để trả lời câu hỏi: “Câu này nói cái gì?”

Khi bạn đang cố gắng học ngoại ngữ, bạn đang sử dụng cách đọc sơ cấp – bạn thực sự không hiểu những gì đang được viết và bạn chỉ nhìn thấy những vết đen trên nền trắng, cố gắng hiểu từng từ được viết ở đó.


2. Inspectional Reading

Inspectional reading có hai loại phụ – đọc lướt có hệ thống (systematic skimming) và đọc hời hợt (superficial reading). Câu hỏi chính mà cấp độ đọc này đang cố gắng trả lời là “Cuốn sách / bài báo này nói về điều gì?

Systematic Skimming

Cách đọc này có thể áp dụng cho hầu hết mọi thứ bạn đọc nên tôi sẽ lấy ví dụ về một bài báo ở đây.

Đầu tiên, bạn nhìn vào tiêu đề của bài báo và nếu thấy hấp dẫn, bạn sẽ mở nó ra. Sau đó, bạn xem qua bài viết và đọc các tiêu đề phụ để xem nội dung của bài viết là gì. Nếu nó có vẻ thú vị, bạn quay trở lại đầu trang và đọc 30-50 từ đầu tiên của phần giới thiệu rồi quay xuống tiêu đề phụ đầu tiên. Sau khi đọc một vài câu dưới nó, bạn tiếp tục làm tương tự cho mỗi tiêu đề phụ cho đến khi bạn đi đến kết luận và tiếp nhận được ý tưởng tổng thể của bài viết.

Chúng ta sử dụng kiểu đọc này khi chúng ta thiếu thời gian để đọc tài liệu chuyên sâu hoặc khi chúng ta cần thông tin gấp.

Superficial Reading

Đây là cách đọc mà chỉ “đọc” chứ không cố gắng “hiểu”. Bạn đọc từ trang này sang trang khác, đọc từng từ một nhưng không dừng lại ở bất kỳ trang nào. Bạn không suy ngẫm về các lập luận do tác giả trình bày hoặc ý nghĩa sâu xa của nội dung.

Kiểu đọc này được sử dụng phổ biến nhất để giải trí và cung cấp thông tin.

Tôi nghĩ là lúc tôi đọc truyện, đọc tiểu thuyết hồi nhỏ, tôi mới chỉ áp dụng cấp độ này. Tôi đọc để giải trí, để giết thời gian, để cho vui. Đọc vì muốn biết câu chuyện nó đi đến đâu, chứ không suy nghĩ nhiều đến những bài toán, những ý nghĩa sâu xa của cuốn sách.

Nếu bạn muốn đọc để hiểu, bạn phải áp dụng cấp độ tiếp theo.


3. Analytical Reading

Đọc phân tích có thể được coi là “kiểu đọc tốt nhất” và là hình thức đọc hoàn chỉnh nhất, nhưng chỉ có thể thực hiện được nếu bạn có rất nhiều thời gian.

Phong cách này được sử dụng nếu bạn muốn hiểu chủ đề một cách sâu sắc, vì bạn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về cuốn sách bạn đang đọc và bạn phải sắp xếp suy nghĩ của mình một cách có hệ thống.

Francis Bacon nói, “Một số cuốn sách phải được nếm thử, những cuốn sách khác phải được nuốt, và một số cuốn sách được nhai và tiêu hóa.” Khi bạn đang đọc một cuốn sách theo cách phân tích, bạn đang nhai và tiêu hóa nó.

Khi bạn đọc sách ở cấp độ này, bạn gần như là đang tranh luận với tác giả. Bạn tự hỏi mình tác giả đang cố gắng giải quyết vấn đề gì, và làm thế nào để ông hay bà ấy đi đến một kết luận cụ thể. Bạn sẽ ghi chép lại những câu hỏi có trong đầu khi đọc. Bạn sẽ viết lên lề sách, hoặc viết lên sticky notes (như tôi đã từng làm…)

Sau kiểu đọc này, bạn sẽ hiểu được cuốn sách và quan điểm của tác giả về chủ đề này.

Khi tôi mới bắt đầu công việc Product Marketing manager ở San Francisco, CMO của công ty là một leader có tầm và có tâm. Ông không chỉ tuyển người để làm công việc được giao, mà còn để giáo dục họ trở thành những marketer thực thụ. Vì thế, ông tổ chức những buổi book club hàng tuần cho team của tôi. Chúng tôi sẽ cùng đọc 1 hoặc 2 chương của 1 cuốn sách liên quan đến ngành (như là thấu hiểu khách hàng, truyền đạt nội dung, các pattern của thị trường…), mổ xẻ nội dung có trong cuốn sách và tranh luận với nhau về những chủ đề có trong đó.

Đây là một cách rất hiệu quả để bạn có thể thực hành Analytical Reading!

Chỉ đọc theo kiểu analytical reading không có nghĩa là bạn sẽ hiểu chủ đề rộng hơn. Bạn sẽ chỉ có một mảnh ghép. Để bạn hiểu được chủ đề rộng hơn, bạn sẽ cần sử dụng cách đọc tổng hợp hoặc so sánh.


4. Syntopic Reading

Đọc tổng hợp còn được gọi là đọc so sánh.

Bạn đọc nhiều sách về cùng một chủ đề và so sánh và đối chiếu các ý tưởng được trình bày, từ vựng được sử dụng để xác định các yếu tố và cách lập luận được trình bày trong đó.

Đọc tổng hợp bao gồm việc tìm các đoạn văn chứa các thông tin liên quan, dịch và hiểu thuật ngữ của cuốn sách (và tạo từ ngữ của riêng bạn), xác định câu hỏi mà bạn cần câu trả lời (và tìm kiếm chúng trong các cuốn sách) và cuối cùng, hình thành ý kiến của bản thân bằng cách phân tích tất cả các thông tin bạn đã thu thập được.

Đọc tổng hợp là một trong những việc đòi hỏi khắt khe và khó khăn nhất. Bản thân tôi có lẽ cũng chưa từng áp dụng cách đọc này bao giờ.

Còn bạn thì sao? Comment cho tôi biết nhé!


Photo by Jerry Wang on Unsplash