Làm thế nào để giữ hiệu quả học tập và làm việc trong thời gian cách ly tại nhà

Mình cảm thấy hơi tội lỗi vì không viết và đăng bài trong tháng vừa rồi… Có quá nhiều thứ đã và đang xảy ra trên thế giới, ở nước Mỹ, và ở thành phố mình ở. Còn mình thì bận viết cuốn guidebook Một giờ kiếm việc. Đây là cuốn tài liệu dành cho các bạn sinh viên ở Nhật Bản muốn tìm việc ở công ty Nhật. Cuối cùng thì mình đã hoàn thành xong!!! Bạn có thể xem nội dung chi tiết ở đây.


Vậy là đã xong một dự án. Những tưởng là làm việc ở nhà thì sẽ hoàn thành được nhiều thứ hơn, nhưng KHÔNG. Nói thật là có rất nhiều trở ngại trong thời gian ở nhà như thế này. Ví dụ:

  • Lúc nào cũng ôm lấy cái máy tính và thi thoảng lại lôi việc ở công ty ra làm ngoài giờ
  • Ngồi ở bàn ăn để làm việc và ngồi cả ngày không đúng tư thế nên gây ra mỏi cổ
  • Không muốn ngồi cả ngày nên đứng lên đi lại trong nhà, thành ra lại đi vào bếp ăn vặt…
  • Dễ bị phân tán tư tưởng: nhìn thấy cún yêu lại quay ra ôm ấp, hoặc giở điện thoại ra xem tin cô vít…

Lúc đầu mình cũng không để ý lắm, nhưng gần đây mình đã nhận ra: thời gian là vàng bạc. Bây giờ mình đang là Product Marketing Manager của một công ty công nghệ ở vùng Silicon Valley. Một năm cả lương cả thưởng cỡ 6 con số đô la. Điều đó có nghĩa là gì? Không phải để khoe, mà điều đó có nghĩa là một giờ của mình rất đáng giá.

Một giờ của bạn cũng vậy. Hãy thử nghĩ xem: thời gian bạn dành ra để tập thể dục, chơi với con cái, hay học một cái gì đó mới nó mang lại lợi ích về sức khỏe, tinh thần, trí não gấp bao nhiêu lần so với thời gian bạn lướt Facebook hay xem phim tình cảm sướt mướt? (Xin lỗi, mình chuyên gia khó tính với phim tình cảm Hàn Quốc hahaha)

Vậy là để một giờ của mình có ý nghĩa hơn, tức là làm được nhiều việc có ích hơn, mình quyết định thay đổi một số thứ xung quanh mình. Mình đã đọc rất nhiều bài viết về remote work và thử một số lời khuyên trong các bài viết đó. Sau đây là 3 điều mình đã thử và thấy có hiệu quả.


1. Phân biệt khu “làm việc” và khu “không làm việc” trong nhà.

Dù nhà bạn nhỏ hay lớn đến đâu, cố gắng dành một góc chỉ để dành cho làm việc hoặc học tập. Góc này có thể gồm bàn làm việc, giấy tờ, máy tính, sticky notes, web cam để họp hành, sách cho môn mà bạn đang học, vân vân.

Mục đích của việc này là luyện cho “não” của bạn cách phân biệt “làm việc” và “không làm việc”, “học” và “không học”. Dần dần, não bạn sẽ quen với việc tập trung cao độ khi ở bàn học, và thư giãn khi bạn rời khỏi góc học tập/làm việc đó.

Có bàn làm việc thì tốt. Như mình thời gian đầu ngồi làm việc ở bàn ăn, xong ăn cơm cũng ở bàn ăn và lúc ăn cơm thì lại ngó máy tính xem đồng nghiệp có nhắn tin không… Như vậy mình không tập trung vào bữa ăn được, ăn ít ngon hơn và ít nói chuyện với người ăn cùng mình nữa. Tránh tuyệt đối nhé.


2. Lập ra một routine/ thói quen hàng ngày mới trong mùa dịch

Ngày xưa (mới khoảng 2 tháng trước thôi mà nghe cứ như lâu lắm rồi…), bạn có một routine khác bây giờ. Có thể ngày trước bạn dậy lúc 7 giờ sáng, nấu ăn sáng, đưa con đi học rồi đi làm. Bây giờ, bạn không đưa con đi học, cũng không đi đến cơ quan. Bạn cần lập ra một giờ giấc mới cho bạn và cho gia đình bạn để thích nghi với cuộc sống cách ly xã hội.

Bạn có thể chia ngày ra làm 4 – 5 phần. Trong mỗi phần bạn đặt một “theme” – một chủ đề. Ví dụ, 1 tiếng buổi sáng có thể là chủ đề “sức khỏe”: bạn tập yoga hay đi xe đạp, đi dạo. Sau đó 4 tiếng có thể là chủ đề “học tập”: bạn học một cái gì đó online. 2 – 3 tiếng buổi chiều có thể dành cho chủ đề “bạn bè”: bạn nói chuyện với gia đình, facetime với bạn bè hay người yêu… Có rất nhiều hoạt động để bạn lựa chọn. Mình viết về “Làm gì trong mùa dịch” ở bài viết này.

Với routine mới, bạn sẽ cảm thấy hứng thú hơn và không cảm thấy buồn chán khi bị nhốt ở nhà.


3. Stay positive – sống tích cực

Mấy ngày trước mình cũng bị buồn như con chuồn chuồn. Tính mình hay nghĩ sâu xa, nghĩ đến tương lai và tưởng tượng đến tương lai không phải của riêng mình mà của cả thế giới (nghe có vẻ cao siêu nhưng công nhận mình hay nghĩ cao siêu…). Thế giới sắp tới thật đen tối có đúng không? Bao nhiêu người chết mà không đáng bị chết. Bao nhiêu gia đình mất ông mất bà. Bao nhiêu người bị thất nghiệp. Bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ bị phá sản. Bao nhiêu y bác sĩ làm việc quá sức và không được gặp gia đình. Sau đợt này thế giới sẽ ra sao? Khi nào có thể mở cửa trở lại? Làm thế nào để tính và quyết định thời điểm mở cửa lại? Bài toán quá khó. Và khi mọi thứ mở cửa lại, thế giới chắc chắn sẽ không được bình thường như trước!

Sau một vài ngày depressed, mình quyết định tập trung suy nghĩ về những điều tích cực xung quanh mình. Thời tiết đẹp, nắng chan hòa, công viên xanh ngắt, hoa nở khắp nơi, gia đình và bạn bè khỏe mạnh. Tập trung quan sát và suy nghĩ vào những thứ tốt đẹp sẽ khiến một ngày dài vô cùng của chúng ta có nhiều khoảnh khắc đẹp hơn một chút.

Mình đã bắt đầu một “Thử thách 30 ngày” trên Instagram với chủ đề “Lòng biết ơn, sự tích cực, và chữa lành”. Một ngày, mình đăng một ảnh và bài về những gì mình cảm thấy biết ơn hay những gì tích cực đang xảy ra xung quanh mình. Bằng cách hướng sự tập trung của tinh thần vào những thứ tích cực, mình có thể vượt qua những ngày tháng khó khăn này.


Còn bạn thì sao? Bạn đang làm gì trong những ngày này? Chia sẻ với mình ý tưởng hay của bạn nhé.