Mình chưa từng nghĩ là sẽ viết về chủ đề sức khỏe ở trang blog The Light Collector. Nhưng mình cũng muốn chia sẻ với bạn suy nghĩ và những kiến thức mình biết về “miễn dịch”, nhất là trong mùa dịch bệnh.
Mình không phải là chuyên gia y tế hay sức khỏe, nhưng tất cả những thông tin dưới đây mình đều thu thập từ các nguồn đáng tin cậy như World Health Organization. Bạn hãy đọc để biết, và trước khi đọc tin từ bất kì nguồn nào, phải biết đó là từ đâu. ĐỪNG có bạ cái gì từ trên mạng cũng tin 🙂
Mình xin nói trước là các thực phẩm dưới đây là để tăng cường sức khỏe và khả năng miễn dịch của cơ thể, chứ KHÔNG phải để chống coronavirus 100%. Bạn nên đọc và hiểu nội dung trước khi bình luận hay “đoán mò” nhé.
Hiểu các kiến thức căn bản về coronavirus
(Nguồn: https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019)
Coronavirus là gì?
Coronavirus là một thể loại vi rút gây bệnh ở người hoặc động vật. Ở trong con người, một số loại corona vi rút được biết đến là gây ra nhiễm trùng đường hô hấp – triệu chứng nhẹ như cảm bình thường, cho đến triệu chứng nặng như Hội Chứng Hô Hấp Middle East (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS). Loại corona vi rút được phát hiện gần đây nhất gây ra bệnh COVID-19
Các triệu chứng của COVID-19 là gì?
Triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 là sốt cao, mệt mỏi, và ho khan. Một số bệnh nhân có thể bị đau người, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng hoặc đi ngoài. Những triệu chứng này thường nhẹ và bắt đầu từ từ.
Một số người bị nhiễm nhưng không phát triển bất cứ triệu chứng nào và không cảm thấy gì. Phần lớn mọi người (khoảng 80%) khỏi bệnh mà không cần chữa trị đặc biệt gì. Khoảng 1 trong 6 người bị nhiễm COVID-19 sẽ trở nên ốm nặng và khó thở.
Người già hơn, đặc biệt với những vấn đề y tế như huyết áp cao, bệnh về tim hay tiểu đường, thì nhiều khả năng sẽ phát triển bệnh nặng.
Khoảng 2% số người mắc bệnh đã qua đời. Người bị sốt cao, ho và khó thở cần tìm đến hỗ trợ y tế.
Chú ý: mặc dù đây là thông tin từ Tổ chức Sức khỏe Thế giới WHO, thông tin và số phần trăm nêu trên chỉ là dựa theo số liệu gần đây nhất mà các tổ chức thu thập được. Số liệu có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Tại sao có người bị nhiễm COVID-19 và có nhiều triệu chứng nặng, cũng có người thì không?
Mặc dù vẫn còn rất nhiều “bí ẩn” liên quan đến coronavirus và COVID-19, số liệu cho thấy người già hơn 80 tuổi hoặc người có tiền sử bệnh gì đó, như bệnh tim, phổi, tiểu đường, huyết áp cao và ung thư sẽ có khả năng phát triển triệu chứng nặng hơn những người khác.
Tại sao? Một trong số những nguyên nhân có thể là do hệ thống miễn dịch của những người này yếu hơn người bình thường, và khi vi rút vào trong cơ thể, hệ thống miễn dịch không đánh lại được ảnh hưởng của vi rút – chủ yếu là lên phổi nhưng cũng có thể lên các bộ phận khác của cơ thể. Cơ thể thua trận và chết dần.
Các bạn có thể xem thông tin về ảnh hưởng của vi rút lên các bộ phận khác nhau của cơ thể tại đây.
Ăn gì để tăng cường khả năng miễn dịch?
Đây là một câu hỏi có thể viết thành cả chục quyển sách để trả lời!
Để duy trì bộ não, hệ cơ, xương, dây thần kinh, da, tuần hoàn máu và hệ thống miễn dịch, cơ thể chúng ta cần một nguồn cung cấp ổn định từ nhiều nguyên liệu “thô” khác nhau, gồm cả hai loại dinh dưỡng đa lượng và vi chất dinh dưỡng.
Dinh dưỡng đa lượng là các chất dinh dưỡng bạn phải hấp thụ hàng ngày với số lượng lớn như protein, chất béo, chất đạm. Vi chất dinh dưỡng, như vitamin và chất khoáng, tuy chỉ cần số lượng nhỏ nhưng nếu không được hấp thụ đầy đủ sẽ dẫn đến bệnh tật.
Trong thời đại phát triển, chuyện thiếu chất dinh dưỡng là rất hiếm kể cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, ăn ít hơn lượng tối ưu của vitamin, khoáng chất quan trọng và các hợp chất khác vẫn có thể góp phần gây ra một số bệnh nghiêm trọng, như bệnh tim, tiểu đường loại 2, ung thư và loãng xương.
Vì vậy, tuy việc bổ sung chất dinh dưỡng không hoàn toàn giúp chúng ta tránh khỏi được việc bị nhiễm vi rút, nó có thể góp phần vào tăng cường sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch, và giảm nguy cơ mắc các bệnh kể trên.
Làm thế nào để đảm bảo hấp thụ đủ các loại khoáng chất?
Cách tốt nhất để có vitamin và khoáng chất là từ chế độ ăn uống đầy đủ, với nhiều trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và nguồn protein, cùng với chất béo lành mạnh như các loại hạt và dầu ô liu. Tiến sĩ Howard D. Sesso, phó giáo sư y khoa tại Đại học Y Harvard cho biết: “Bạn nên cố gắng đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất của cơ thể thông qua chế độ ăn uống thay vì uống thực phẩm chức năng hay thực phẩm bổ sung”. (Nguồn: Havard Health Publishing)
Chọn thực phẩm để tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn
Năm vi chất dinh dưỡng: vitamin B6, vitamin C, vitamin E, magiê (magnesium) và kẽm, có vai trò trong việc duy trì chức năng miễn dịch. Tuy vậy các thực phẩm chức năng/thực phẩm bổ sung có chứa chúng thường được bán dưới dạng thuốc tăng cường miễn dịch vượt quá mức cho phép hàng ngày. Hơn nữa, không có bằng chứng cho thấy các thực phẩm bổ sung như vậy có nhiều lợi ích hơn là chỉ tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh.
Thay vì uống thuốc để có được các vi chất dinh dưỡng này, sẽ khôn ngoan hơn khi ăn và hấp thụ nhiều loại thực phẩm khác nhau để tăng cường hệ miễn dịch.
Thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch
- Vitamin B6: Thịt gà, thịt lợn, cá, các loại rau, ngũ cốc, chuối, khoai tây, trứng, đậu nành
- Vitamin C: Cà chua, trái cây có múi như cam quýt chanh bưởi, ớt ngọt, bông cải xanh, quả kiwi, quả dâu tây
- Vitamin E: Hạt và dầu hướng dương, hạnh nhân, dầu ô liu, bơ đậu phộng (không đường nhé)
- Magiê: Lúa mì, đậu, các loại hạt, cá hồi, quả bơ
- Kẽm: Các loại thịt đỏ, hải sản như tôm cua, thịt bò hầm, các loại hạt, sản phẩm từ sữa
Kết luận
Trong mùa dịch, vẫn nên nhớ làm theo các chỉ dẫn vệ sinh như rửa tay thường xuyên với xà phòng, hạn chế đưa tay lên mặt, thường xuyên lau và vệ sinh các đồ vật và mặt bàn, ghế với nước lau rửa, để tránh lây nhiễm vi rút vào cơ thể.
Việc đeo khẩu trang cũng nên đúng quy cách và theo hướng dẫn của các tổ chức chính phủ. Trung tâm phòng chống dịch bệnh cũng có nói là họ KHÔNG khuyến cáo người khỏe mạnh đeo khẩu trang để chống các bệnh về phổi, bao gồm COVID-19. Khẩu trang là bắt buộc cho người chăm sóc bệnh nhân và người ở các tổ chức y tế trong vùng có dịch.
Nguồn: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/about/prevention-treatment.html
Hi vọng mùa dịch sớm qua và mọi người có thêm chút kiến thức về thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe nhé.
Comments are closed.