Thời điểm này khi mà hoa sakura nở tràn ngập nước Nhật cũng là lần đầu tiên tôi rời khỏi nước mẹ Việt Nam để đi du học. Có ai ngờ đâu 10 năm rồi tôi vẫn đang sống ở nước ngoài. Trước khi đi tôi cũng chẳng có kế hoạch định cư ở Nhật hay Mỹ, thế mà cũng đã 10 năm không ở Việt Nam.
Nhân dịp kỉ niệm 10 năm xa tổ quốc, tôi viết bài tóm tắt lại những bài học “thấm máu” trong hành trình này của tôi. Hi vọng giúp bạn lấy cảm hứng làm gì đó, và có thể “take a break” từ các tin tức về bệnh dịch.
1. Bán anh em xa, mua láng giềng gần
Một trong số những điều tôi nhận ra sớm nhất khi xa nhà, đó là sự quan trọng của bạn bè xung quanh mình. Gia đình vẫn là trên hết, nhưng bạn cùng nhà, cùng lớp, bạn đồng hương vẫn là những người gần gũi với tôi nhất trong 10 năm nay.
Những lúc ốm đau, ai là người đi mua hộ đồ ở siêu thị, lại còn mua thêm mấy quả mikan ăn cho nhanh khỏe? Khi thất tình, ai là người kéo bạn đi karaoke cả đêm hay ra ngoài biển đi dạo? Cho đến tận bây giờ, bạn thân nhất của tôi vẫn là những đứa bạn từ hồi đại học, dù bây giờ mỗi đứa sống ở một nước khác nhau, chat hay facetime lúc nào cùng 4 múi giờ. Tình bạn không chỉ có ích (và có lợi) cho cuộc sống hàng ngày của bạn, mà còn làm giàu đời sống tinh thần của bạn nữa.
Trong 10 năm, tôi đã trải qua những quãng thời gian khá là khác nhau: học đại học ở một thành phố nhỏ của Nhật, đi làm ở Tokyo hoa lệ, rồi học cao học ở San Francisco sầm uất, cho đến đi làm ở một công ty tech ở Mỹ mà văn hóa làm việc khác hẳn ở Nhật. Có thể nói đó là 4 môi trường hoàn toàn khác nhau. Nhưng tôi đã làm quen với chúng và tồn tại đến bây giờ đó là nhờ 1 điểm chung: tôi có bạn bè ở xung quanh.
Tôi không phải tuýp người có rất nhiều bạn. Tôi chỉ có một nhóm nhỏ những người tôi hay gặp gỡ và chia sẻ. Cộng đồng người Việt Nam ở các nước cũng khá lớn và may mắn là thi thoảng tôi có cơ hội giao lưu với đồng hương. Ngoài ra, tôi làm bạn với đồng nghiệp và kể cả khi chúng tôi không cùng làm một công ty nữa, chúng tôi vẫn giữ liên lạc và giúp đỡ nhau.
Kiếm bạn ở môi trường mới như thế nào? Đọc phần 2 nè.
2. Be open-minded
Bài học thứ 2 để tồn tại trong một môi trường mới đó là có một “open mind”. Nó không chỉ có nghĩa là bạn phải thân thiện, cởi mở với người khác, mà theo tôi nó còn mang ý nghĩa là bạn phải “nghĩ thoáng” một chút.
Tại sao? Sống ở nước ngoài, bạn sẽ gặp người từ nhiều nơi trên thế giới. Dù bạn có nhận ra hay không, mỗi chúng ta đều có những thành kiến khác nhau về người khác – kể cả cùng là người Việt Nam, hay là người nước ngoài. Bạn thử nghĩ xem có bao nhiêu lần bạn gặp người Tàu và nghĩ họ aaaaaa hay bbbbbb? Còn người Nhật thì cccccc và dddddd?
Những người mà bạn kì thị, họ có thể sẽ trở thành những người bạn tốt, thêm thắt gia vị cho cuộc sống ở nước ngoài của bạn. Vì vậy, hãy be open-minded và đừng thành kiến hay kì thị người khác với bạn. Nếu họ có cách suy nghĩ, tập quán, thói quen khác bạn, đó là cơ hội để bạn học hỏi văn hóa của người ta.
Nghĩ thoáng còn có nghĩa là bạn hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh hay hành động xung quanh bạn. Ví dụ, đồng nghiệp đi làm muộn mà lại về sớm. Bạn cảm thấy không công bằng khi người ta như vậy mà lại nhận lương giống bạn? Hãy be open-minded và tìm hiểu tại sao. Có thể họ có bố mẹ/ con cái bị ốm cần chăm sóc một thời gian? Nếu vậy, đó là cơ hội để bạn xòe tay ra giúp đỡ họ. Nếu bạn khép kín cách nhìn của mình thì bạn sẽ không bao giờ hiểu được người khác và không bao giờ xây dựng được các mối quan hệ có ý nghĩa.
3. Tuân thủ luật pháp và tôn trọng văn hóa nơi bạn sống
Điều này khá là rõ ràng không cần nhấn mạnh nhiều hơn. Hồi tôi sống ở Nhật, tôi học cách nói chuyện, làm việc, giao tiếp và làm theo phong tục của Nhật như người Nhật. Khi tôi sang Mỹ, tôi quan sát cách họ tương tác để làm theo.
Nếu bạn tôn trọng luật pháp và văn hóa nơi bạn ở, bạn cũng sẽ được tôn trọng lại và cuộc sống của bạn ở nơi đó sẽ dễ dàng hơn.
4. Luôn luôn mở rộng cánh cửa cho cơ hội mới
Sống ở nước ngoài cũng có nghĩa là bạn có nhiều cơ hội, nhiều loại cơ hội hơn so với người chỉ sinh hoạt ở một nước. Ví dụ, du học xong bạn có sự lựa chọn là đi làm ở nước ngoài, về Việt Nam đi làm, học lên cao học ở cùng một nước, học cao học ở một nước thứ 3, lấy chồng lấy vợ và định cư ở đâu đó… Bạn có nhiều sự lựa chọn gấp 2, gấp 3 lần bạn bè cùng trang lứa sinh sống ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều sự lựa chọn cũng có thể khiến bạn bối rối. Bài học của tôi là, biết mình muốn gì trong cuộc sống, và nắm lấy cơ hội khi nó mở ra trước mắt. Tôi học đại học ở Nhật xong, tôi biết mình muốn ở lại Nhật thêm vài năm để học hỏi và tôi biết nếu tôi tìm được việc làm, tôi sẽ dễ dàng có cơ hội ở lại Nhật. Cho nên tôi đã cố gắng đạt được mục tiêu đó. Tôi vẫn nhớ mình đã dành cả tiếng đồng hồ ngồi đọc về các thành phố và trường đại học ở Mỹ, nói chuyện với người Mỹ và tham khảo internet trước khi quyết định đi học ở San Francisco. Tôi vẫn nhớ tôi đã học GMAT mỗi ngày một tiếng sau khi đi làm về (đi làm về lúc 8h tối…), và 6 – 7 tiếng vào thứ 7 chủ nhật. Tôi làm vậy trong vòng hơn 6 tháng trước khi thi.
Trước khi quyết định một hướng đi nào đó, bạn đã tìm hiểu kĩ sự lựa chọn đó chưa? Nếu bạn muốn làm gì đó, hãy quyết đoán và mở cánh cửa cho cơ hội khi nó đến gần.
5. Tại sao? Tại sao? Tại sao?
Bạn đã từng nghe phương thức “Five whys” được Toyota ưa chuộng trong văn hóa của công ty. Technique này thường được sử dụng khi suy luận giải quyết vấn đề hay trong tư duy phản biện (critical thinking). Đối với tôi, hỏi “Tại sao” có 3 tác dụng:
- Suy nghĩ và tìm lời giải đáp cho bất kì câu hỏi nào một cách có khoa học hơn bằng cách đào sâu vào cốt lõi của vấn đề.
- Giúp bạn tránh thói quen “đoán mò”. Khi giao tiếp trong cuộc sống với người khác, bạn đừng đoán mò hành động hay tính cách của người khác qua lăng kính của bạn. Cách tốt nhất để hiểu được lý do ẩn chứa trong hành động của ai đó là bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh của người đó hoặc nói chuyện trực tiếp để giải quyết vấn đề.
- Giúp bạn luyện tính cách tò mò, ham học hỏi. Đây là tính cách rất nhiều nhà tuyển dụng và các công ty ưa thích khi tuyển người trẻ vào làm.
Sống ở nước ngoài bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề không lường trước. Bạn cần có một tư duy tỉnh táo để đối phó với chúng và giúp cho cuộc sống xa nhà dễ dàng hơn về cả vật chất và tinh thần.
6. Study hard or Work hard, but don’t forget to Play
Tôi có nhiều lúc hối hận vì bản thân đã làm việc và học tập quá nhiều mà không “chơi” đủ. Khi còn ở Nhật, tôi có đi du lịch rất nhiều và cũng tham gia vào các hoạt động giải trí mà mọi người hay làm như đi xem phim, thi thoảng nghe ca nhạc, vân vân. Nhưng cũng có nhiều sự kiện hay sở thích mà tôi ngần ngại và bỏ qua, mặc dù tôi rất muốn thử chúng. Trong cuộc sống, cái quan trọng nhất có lẽ vẫn là trải nghiệm. Bạn đã trải nghiệm được những gì sau X năm sống ở nước ngoài? Học tập, làm việc hăng say là tốt nhưng cũng đừng quên cái vui của việc được đắm mình trong văn hóa của một đất nước bạn yêu quý.
Motto của tôi là “Work Hard, Play Harder” 🙂
7. Bạn coi trọng giá trị gì trong cuộc sống?
Bài học cuối cùng tôi muốn nói đến trong blog lần này là hiểu được giá trị mà bạn coi trọng trong cuộc sống, và sử dụng thời gian, tiền bạc, năng lượng bạn có để phục vụ cho giá trị đó. Đến cuối ngày, bạn tự hỏi mình cố gắng lấy bằng nước ngoài để làm gì? Kiếm việc đi làm ở nước ngoài để làm gì? Nếu bạn hoang mang, hãy quay lại với giá trị mà bạn cảm thấy quan trọng.
Với tôi, việc học cái mới và làm những thứ mới chính là giá trị của cuộc sống. Đó là lý do vì sao tôi quyết định rời nước Nhật, rời công việc ổn định ở Nhật để đi học MBA. Đó là lý do tại sao tôi không xin việc ở một công ty lớn như công ty cũ ở Nhật, mà là một công ty tech startup với văn hóa làm việc khác hẳn. Học và trải nghiệm những điều mới lạ luôn mang lại cảm hứng cho tôi. Còn bạn thì sao? Tại sao bạn quyết định học hay sinh sống ở nước ngoài?
Kết
Tôi hi vọng bài viết không quá trừu tượng. 10 năm là một quãng thời gian dài và tôi có nhiều bài học hơn nữa nhưng không thể kể hết. Nếu bạn tò mò thì hãy comment hoặc post trên Facebook page.
Stay safe and be healthy!
Comments are closed.