Hàng năm, số lượng sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài càng ngày càng tăng. Nền kinh tế của chúng ta đang phát triển, thu nhập và mức sống của người Việt Nam cũng khá hơn. Chuyện du học bây giờ chẳng có gì là lạ, lại còn rất dễ dàng. Cho nên, chúng ta không cần ngạc nhiên khi thấy số sinh viên Việt Nam tại Nhật – một đất nước thú vị và có nền kinh tế mạnh – đã hơn 80 nghìn người trong năm 2018, đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc.
Xem thêm thông tin thống kê về sinh viên nước ngoài ở Nhật tại đây.
Chỉ cần một phút mở Gu gồ và search “du học Nhật”, bạn sẽ thấy có rất nhiều bài viết, bài báo (phần lớn là từ các trung tâm tư vấn du học) nói về những lý do nên đi du học ở Nhật. Người Nhật hiền hòa, đất nước sạch, an toàn, gần Việt Nam, chi phí không quá đắt đỏ.. vân vân. Có nên tin hay không thì mình không dám khuyên, nhưng có một lời khuyên là bạn phải nhìn vào mọi thứ từ nhiều khía cạnh khác nhau.
Một con ếch ở trong giếng thì nó chỉ biết đến cái giếng, nó chưa bao giờ ra ngoài thì nó không biết thế giới bên ngoài rộng hơn cái giếng 70 cm hàng tỉ lần như thế nào. Tuy nhiên, một con ếch với cái laptop nối mạng, nó có thể Gu gồ và đọc blog của mình 😀 và biết thêm ít nhất là 60% thế giới bên ngoài để nó có thể có sự lựa chọn đúng đắn nhất.
Từ góc nhìn của một người không chỉ từng đi du học, mà còn sinh sống ở Nhật một thời gian dài, mình sẽ chia sẻ 5 điều bạn cần biết trước khi quyết định đi du học ở Nhật.
1) Chính phủ Nhật khuyến khích sinh viên/ người nước ngoài đến Nhật
Tại sao? Quá hiển nhiên, Nhật Bản là một nước già. Họ không có đủ người trong độ tuổi đi làm (20-40t) để làm việc và chi tiêu và thúc đẩy nền kinh tế. Trong nhiều năm gần đây, chính phủ Nhật đã có nhiều chính sách mới để thu hút nhiều người nước ngoài đến học tập và làm việc.
Điều này có nhiều cái lợi cho sinh viên nước ngoài: xin học bổng dễ hơn, xin việc làm dễ hơn. Có một cộng đồng ở một nước xa xôi, đỡ buồn và có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Tuy vậy, suy nghĩ sâu xa, có thể bạn lại không thích việc đi ra ngoài đường, thay vì người Nhật lại gặp toàn người Trung Quốc hay Ấn Độ? Nhiều người nước ngoài hơn có thể làm người Nhật kì thị người nước ngoài và đánh đồng bạn với người nước khác? Khi đi làm, cạnh tranh sẽ cao hơn khi có những người nước ngoài khác giống như bạn?
Bạn nên tìm hiểu về chính sách của chính phủ các nước để lựa chọn xem nước nào là điểm đến lí tưởng.
2) Cuộc sống sẽ rất khác nhau tùy vào thành phố bạn chọn
Nhật không phải là một đất nước vĩ đại về diện tích như Mỹ hay Trung Quốc, cho nên so với nước Mỹ, các thành phố và vùng miền của Nhật không quá khác nhau. Tuy nhiên, cũng không thể đánh đồng cả nước Nhật là như nhau. Bạn nên xem xét:
- Môi trường sống: bạn thích sống ở thành phố lớn hay vùng ngoại ô? Thích tập trung học hành hay thích đi giao lưu? Câu chuyện của mình: mình đi học ở một thành phố siêu bé, tận Oita-ken ở Kyushu. Cả thành phố có đúng 1 cái department store… Cuối tuần chả có gì làm nên chỉ tập trung học :))). Sau này khi đi làm ở Tokyo, mình mới được làm quen với nhiều thú vui mới như là đi xem phim 3D, đi shopping (nói quá) :))). Thành phố nhỏ thì chi phí sinh hoạt thấp hơn, thành phố lớn thì đắt đỏ. Thành phố lớn hay có các sự kiện để học hỏi (cái này rất quan trọng nếu bạn muốn xin việc ở Nhật sau khi ra trường, vì nhiều công ty chỉ có setsumeikai ở các thành phố lớn). Rất nhiều điều để lưu ý nhé. Nếu bạn muốn biết thêm hay có câu hỏi gì thì comment vào blog hoặc Facebook của mình 🙂
- Tiếng Nhật: Nhật có tiếng địa phương của các vùng. Phổ biến nhất là tiếng Nhật vùng Kanto – gần như tiếng Nhật phổ thông. Kansaiben (関西弁) là tiếng địa phương vùng Kansai, và rất rất khác tiếng Nhật của các vùng khác. Cho nên khi chọn thành phố, bạn cũng nên suy nghĩ: Bạn có muốn tiếng Nhật của mình sau này chuẩn tiếng phổ thông? Hay bạn OK với việc tiếng Nhật của mình có vài âm sắc hương vị cho vui?
- Chọn trường và ngành học: Các thành phố khác nhau có các trường khác nhau, và các trường có điểm mạnh điểm yếu riêng về ngành học. Hơn nữa, nếu bạn muốn học ngành design, kiến trúc hay nghệ thuật, mình khuyên là nên chọn các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka. Các thành phố đó sôi động và có nhiều cái hay để bạn học hỏi.
3) Để nói tiếng Nhật thành thạo khó hơn bạn tưởng
Thực ra thì để giao tiếp đi chợ hỏi đường thôi thì tiếng Nhật cũng không khó lắm. Một khi bạn đã ở Nhật, bạn sẽ được “đắm mình” trong môi trường tiếng Nhật và tiếng Nhật của bạn sẽ lên rất nhanh. Thời gian đầu khá khó. Vì người Việt Nam cũng châu Á như người Nhật, nhiều khi họ sẽ tưởng bạn là người Nhật và nói với bạn bằng tiếng Nhật chứ không câu nệ gì cả. Nhưng phần lớn mọi người đều giao tiếp được trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
Để đạt được đến level thi đỗ N1 là một hành trình gian khổ. Cái khó nhất vẫn là Kanji nên để qua được bạn phải làm perfect những phần còn lại!
Để đến level đi xin việc và phỏng vấn, giao tiếp lưu loát bằng tiếng Nhật, mình thấy cái này khó hơn cả N1 :). Nó không những đòi hỏi khả năng hiểu và nói tiếng Nhật, mà còn cần đến hiểu biết về văn hóa, cách dùng từ và cách giao tiếp mà người Nhật dùng. 「そうですね」「さすが!」「えらいね」「やばい~」… bạn cần hiểu context (ngữ cảnh) của cuộc nói chuyện để biết dùng những cụm từ đó.
Tiếng Nhật và đi học ở Nhật. Is it worth it? Sau 4 năm ở Nhật, bạn sẽ tiếp tục sử dụng tiếng Nhật chứ?
4) Văn hóa Nhật có nhiều cái hay, nhưng không phải là tất cả
Bạn hay nghe nói người Nhật nổi tiếng trong lịch sử là chịu khó, cẩn thận, và chỉn chu. Từ một đống đổ nát sau chiến tranh, họ vươn lên xây dựng nền kinh tế hùng mạnh dù cả nước Nhật cằn cỗi chẳng có tài nguyên gì mấy. Người Nhật làm việc đúng giờ, nền nếp, có đầu đó đuôi.
Flip side của nó là gì? Trong công việc, người Nhật hay bị lo lắng thái quá, thành ra không đi ra được quyết định nhanh chóng. Ngoại trừ các công ty startup theo kiểu mới, phần lớn các công ty Nhật rất chậm trong việc cập nhật cái mới.
Văn hóa zangyo (làm thêm giờ) của người Nhật vẫn còn rất nặng nề, mặc dù chính phủ làm mọi cách để dân văn phòng có work-life-balance tốt hơn. Mình nhớ có hồi công ty cũ của mình ở Nhật ra chính sách là tất cả mọi người phải ra về trước 8h tối trừ trường hợp có online meeting với đối tác nước ngoài. Được 1 tuần mọi người cũng xách cặp ra về lúc 7 rưỡi, sau đó thì đâu lại hoàn đấy (^_^)’
Bạn nên tìm hiểu thêm và đọc thêm về phần này nếu băn khoăn nhé. Mình có biết một vài cuốn sách giải thích về văn hóa Nhật rất hay. Comment hoặc FB mình nếu bạn muốn biết thêm.
5) Tìm người yêu ở Nhật thực ra không quá khó :p
Có thể sẽ có bạn không đồng ý với mình hahaha.
Nếu đây là một trong những lí do bạn phân vân việc chọn nước Nhật so với nước Việt Nam hay những nước khác (Singapore chẳng hạn), thì cứ yên tâm. Mình đã chứng kiến rất rất nhiều đôi Việt Nam-Việt Nam ; Nhật – Việt, Việt – Nhật, Việt – nước ngoài … gặp nhau và đến với nhau ở nước Nhật. Đây là điều cuối cùng bạn cần lo lắng đến :)).
Tuy nhiên, so với một số nước khác kể cả Việt Nam, người Nhật không hay dùng các online dating app (ngoại trừ những người có mục đích rõ ràng là tìm bạn đời lâu dài để kết hôn). Gần đây có Tinder trở nên phổ biến hơn ;)) nhưng vẫn không nhiều người tử tế dùng so với các nước khác.
Thực ra mình cũng không rõ lắm khoản online dating app. Các bạn biết nhiều hơn thì chia sẻ comment dưới đây nhé :))
Kết luận
Tất cả 5 điều mình viết đều không hoàn toàn ủng hộ hay can ngăn chuyện đi du học ở Nhật. Người quyết định là bạn. Mục đích đi du học của bạn là gì? Tại sao lại là nước Nhật chứ không phải nước khác? Mình chỉ muốn các bạn trẻ sinh viên là con ếch ngồi đáy giếng, chỉ đi nghe trung tâm tư vấn mà không chịu suy nghĩ và tìm đọc từ nhiều khía cạnh.
Mình hi vọng là bài viết này sẽ có ích trong việc lựa chọn hướng đi cho tương lai của bạn. Any questions or comments: viết dưới đây hoặc qua Facebook nhé 🙂
Chúc một ngày vui. じゃまた~
Comments are closed.