Một ngày tháng 5 ấm áp tại thành phố San Francisco, tôi ngồi cạnh cửa sổ và suy nghĩ về những mục tiêu cho tháng này. Dù Covid vẫn rình rập nhưng không thể để nó làm giảm chất lượng cuộc sống của chúng ta. Mục tiêu như là: tập yoga 3 buổi một tuần, đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, hoàn thành online course về Data Science… Quá nhiều mục tiêu, quá ít thời gian.
Nhưng dạo gần đây tôi phát hiện ra, có lẽ lập mục tiêu và đi theo chúng chưa chắc đã là cách hiệu quả nhất để đạt được những gì tôi muốn.
Bạn đã từng tự hỏi, tại sao bạn đặt ra các mục tiêu và cố gắng hoàn thành chúng để có thể thay đổi bản thân, nhưng lại không thành công?
- Tại sao mục tiêu tập thể dục 3 buổi một tuần không làm cho bạn cảm thấy khỏe lên?
- Tại sao mục tiêu học tiếng Nhật 30 phút mỗi ngày không làm bạn nói tiếng Nhật giỏi hơn?
- Tại sao mục tiêu đọc 5 cuốn sách một tháng không đi đến đâu?
Chúng ta luôn được khuyên là, làm cái gì cũng phải đặt ra mục tiêu rõ ràng và có hạn nhất định. Nhưng tùy theo mục đích bạn đang hướng tới, việc đặt ra và hoàn thành mục tiêu chưa chắc đã đưa đến thành công.
Đặc biệt là khi bạn muốn thay đổi bản thân, thay đổi thói quen của bản thân để hướng tới một version mới, tốt hơn và đẹp hơn của bản thân.
Tại sao? Bài blog lần này chúng ta sẽ đi vào phân tích Goals và Systems – Mục Tiêu và Hệ Thống, để trả lời câu hỏi đó.
Có thể bạn đã biết, tôi mới ra video mới với chủ đề xin việc ở Nhật. Xem ở đây nhé
Làm video mất thời gian thật đấy haha. Tôi không biết là mình có thể trở thành YouTuber hay là cái gì đó, nhưng video này là để GIÚP BẠN, vì tôi biết nhiều người hấp thụ thông tin nhanh hơn bằng cách xem video thay vì đọc blog hay đọc sách.Nếu bạn thích video tôi làm thì hãy like, bình luận và subscribe nhé. Ngàn lời cám ơn <3
Hệ thống (Systems) là gì?
Hệ thống có 2 nghĩa lớn:
- Một tập hợp những thứ, những bộ phận hoạt động cùng nhau trong một cơ chế hoặc mạng kết nối.
- Một tập hợp các nguyên tắc hoặc thủ tục, theo đó một cái gì đó được thực hiện; một kế hoạch hoặc phương pháp có tổ chức.
Trong việc thay đổi bản thân, hệ thống sẽ là tập hợp các nhân tố hàng ngày xung quanh bạn – từ môi trường, thời gian, hành động, cảm xúc, cho đến những người bạn sống hay chơi cùng.
Tất cả những nhân tố đó, nếu được tổ chức và sắp xếp theo một phương pháp nhất định, sẽ giúp bạn thành công.
Nếu định nghĩa hệ thống vẫn hơi khó hiểu, thì sau đây là một số ví dụ:
- Nếu bạn là một sinh viên, mục tiêu của bạn có thể là thi đỗ IELTS hay JLPT N1. Hệ thống của bạn sẽ là cách bạn học và làm bài tập, cách bạn chia nhỏ các phần khác nhau để luyện, và phương thức bạn sử dụng để cải thiện điểm qua mỗi lần thi thử.
- Nếu bạn là một nhà khởi nghiệp, mục tiêu của bạn có thể là xây dựng công ty triệu đô. Hệ thống của bạn sẽ là cách bạn thiết kế và thử nghiệm sản phẩm, cách bạn tuyển nhân viên và phương pháp marketing của bạn.
- Nếu bạn là một nghệ sĩ, mục tiêu của bạn có thể là chơi một bản nhạc mới. Hệ thống của bạn sẽ là cách bạn hiểu và luyện bản nhạc đó, và cách bạn nhận phản hồi từ thầy cô giáo của bạn.
Dành 1 phút bào chữa cho “Mục tiêu”
Bạn đang nghĩ “Vậy mục tiêu là xấu à? Còn những mục tiêu của năm nay, tháng này mà mình đặt ra coi như là công cốc?”
Tất nhiên là không phải như vậy. Mục tiêu vẫn tốt cho việc định hướng, nhưng hệ thống sẽ giúp bạn tiến lên phía trước một cách hiệu quả hơn. Bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề như sau khi mà bạn dành quá nhiều thời gian suy nghĩ đến mục tiêu, mà quên mất phải thiết kế hệ thống của bạn.
Vấn đề số 1: Người chiến thắng và kẻ chiến bại có cùng một mục tiêu
Bạn đã từng nghe đến hiện tượng “thiên vị sống sót” (survivorship bias). Đó là khi chúng ta tập trung nhìn vào những người chiến thắng – kẻ sống sót – và nhầm tưởng rằng họ chiến thắng bởi vì họ có những mục tiêu và khát vọng lớn. Chúng ta quên không nhìn vào những người có cùng một mục tiêu nhưng lại không thành công.
Tất cả những người đang đi tìm việc đều muốn xin được một công việc tốt. Tất cả những tuyển thủ Olympic đều muốn huy chương vàng. Vậy nếu người thành công và người không thành công đều có một mục tiêu giống nhau thì chắc hẳn mục tiêu không phải là cái có thể phân biệt giữa người chiến thắng và kẻ thua trận.
Vấn đề số 2: Hoàn thành một mục tiêu chỉ là tạm thời
Hãy tưởng tượng bạn có một căn nhà siêu bừa bộn và bạn lập mục tiêu để dọn dẹp. Bạn dành cả một buổi chiều để dọn và ta-da, bạn có một căn nhà sạch đẹp – tạm thế. Nhưng nếu bạn tiếp tục thói quen đi làm về vứt đồ khắp nơi, hay thói quen không rửa bát sau khi ăn chẳng hạn, thì chẳng mấy chốc căn nhà lại bừa như cũ.
Bạn đã nhận ra chưa? Bạn nhiều lần chạy theo một mục tiêu, một kết quả giống nhau nhưng bạn không bao giờ chịu thay đổi cái “hệ thống” ở đằng sau nó. Bạn chữa trị một triệu chứng mà không chịu nhìn nhận nguyên nhân sâu xa.
Hoàn thành một mục tiêu chỉ thay đổi cuộc đời bạn một cách tạm thời. Chúng ta nhìn thấy kết quả (nhà bẩn), và nghĩ là chúng ta phải thay đổi cái kết quả đó. Nhưng kết quả không phải là vấn đề. Cái chúng ta thực sự cần thay đổi không phải là kết quả mà là cái hệ thống dẫn đến kết quả đó (trong ví dụ này, là thói quen bừa bộn).
Vấn đề số 3: Mục tiêu làm giới hạn hạnh phúc của bạn
Khi chúng ta đặt ra mục tiêu, chúng ta tự động cài vào não bộ một điều kện “nếu-thì”: Nếu hoàn thành mục tiêu thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc, còn không thì sẽ rất thất vọng. Tôi cũng từng hứa với bản thân là khi nào tôi đi du học Mỹ thành công thì tôi có thể thư giãn (Sau khi qua Mỹ mới nhận ra là mình đã tưởng bở hahaha)
Một cách vô ý thức, bạn giới hạn sự hài lòng hay niềm vui vào cái mục tiêu đó, trong khi có rất nhiều cách chúng ta có thể tìm được niềm vui trong quá trình này.
Nếu, thay vì mục tiêu, bạn yêu thích cái hệ thống mà bạn đặt ra, thì bạn có thể hưởng thụ nó bất cứ lúc nào. Bạn không phải chờ đợi cho đến khi hoàn thành mục tiêu mới được phép có hạnh phúc hay niềm vui.
Vấn đề số 4: Mục tiêu thường không giúp ích trong một quá trình dài hơi
“Nếu tôi giảm 5 cân, tôi có thể nghỉ tập gym và không cần chạy bộ hàng ngày nữa.”
“Nếu tôi hoàn thành giảm ăn đồ ngọt trong vòng 1 tháng, tôi có thể ăn kem để thưởng cho bản thân”
Sau khi bạn đã hoàn thành một mục tiêu, đâu là động lực khiến bạn biến nó thành một thói quen để thay đổi bản thân trong thời gian dài? Đây là lý do vì sao nhiều người quay lại thói quen cũ sau khi họ hoàn thành một mục tiêu.
Mục đích của việc lập ra mục tiêu là chiến thắng một trò chơi.
Mục đích của việc xây dựng một hệ thống là để tiếp tục chơi trò chơi đó.
Suy nghĩ lâu dài có nghĩa là suy nghĩ không mục tiêu. Khi bạn muốn thành công trên một con đường dài, tập trung vào hệ thống thay vì mục tiêu. Đó là một quá trình sàng lọc và tiếp tục cố gắng để tiến bộ.
Rốt cục, đó là “lời hứa”, là commitment của bạn vào quá trình đó.
Kết
Tất cả những điều trên không phải để nói rằng mục tiêu là vô bổ. Mục tiêu rất tốt cho việc lên kế hoạch cho quá trình của bạn, và hệ thống tốt cho việc thực hiện quá trình đó.
Mục tiêu có thể cung cấp hướng đi và đẩy bạn đi lên trong thời gian ngắn, nhưng một hệ thống được thiết kế hoàn hảo mới chính là cái giúp bạn thành công.
Hi vọng bạn đã hiểu hơn một chút về mục tiêu và hệ thống. Bạn có mục tiêu hay hệ thống nào mà bạn đang sử dụng không? Bạn thấy chúng có hiệu quả như thế nào trong việc giúp đỡ bạn thành công?
Tôi có áp dụng cách suy nghĩ này trong cuốn guidebook Xin việc ở Nhật. Trong cuốn guidebook đó, tôi giúp bạn đặt ra mục tiêu, và giúp bạn thiết kế một hệ thống Một giờ kiếm việc để bạn xin việc thành công.
Đừng quên like, bình luận hoặc chia sẻ với bạn bè để tôi có động lực viết thêm nhiều nữa. Viết blog là một hệ thống mà tôi vô cùng yêu thích, và tương tác với bạn đọc giúp tôi có thêm ý tưởng mới!
(Bài viết được tham khảo từ cuốn sách Atomic Habits của tác giả James Clear. Bạn có thể đọc bản tiếng Việt ở đây: http://nhasachphuongnam.com/thay-doi-ti-hon-hieu-qua-bat-ngo-p117042.html)
Comments are closed.